Lương đã thấp còn bị o ép

Lương đã thấp còn bị o ép

6 10 99
Lương đã thấp còn bị o ép 10 6 99
Hình minh họa.
Chỉ khoảng 1/3 số lao động có việc làm của Việt Nam được hưởng lương, trong khi tỉ lệ trung bình của thế giới là 50%

Ngày 25-11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Hội đồng Tiền lương quốc gia phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức.

Bà Nicola Connolly, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho hay hiện châu Âu có hơn 850 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại Việt Nam. Điều khiến các DN châu Âu phàn nàn nhiều là lao động Việt Nam quá thiếu các kỹ năng mềm phục vụ công việc. “Lao động Việt Nam có bằng đại học, có lý thuyết nhưng lại thiếu kỹ năng thực tế nên hầu hết chúng tôi phải đào tạo lại” - bà Nicola Connolly nêu.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết Việt Nam có khoảng 400.000 DN đang hoạt động với hơn 10 triệu lao động, trong đó 95% DN có quy mô nhỏ và vừa (trong số này, DN siêu nhỏ chiếm trên 65%); phần lớn gia công, năng suất lao động thấp, giá trị tạo ra không cao. Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động thuộc Bộ LĐ-TB-XH, lại cho rằng GDP của chúng ta thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển nên nếu nói năng suất lao động quốc gia thấp hơn họ thì sẽ không ai phản đối song đối với năng suất lao động của từng người lao động Việt Nam thì chưa thể khẳng định ai hơn ai.

“Khi bàn về lương tối thiểu là nói đến năng suất lao động quốc gia chứ không phải bàn đến năng suất lao động cá nhân” - ông Cường giải thích.

Ông Malte Luebke, chuyên gia cao cấp về tiền lương của Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết không chỉ có mức lương tối thiểu thấp, mức lương bình quân của Việt Nam năm 2012 chỉ ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD), chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và thấp hơn so với nhiều nước trong ASEAN như: Philippines (206 USD), Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547 USD).

Chỉ khoảng 1/3 số lao động có việc làm của Việt Nam được hưởng lương (tỉ lệ trung bình của thế giới là 50%). Ngành nông nghiệp chiếm khoảng 50% lực lượng lao động nhưng tỉ lệ lao động làm công ăn lương lại chỉ chiếm 10% tổng số lao động làm công ăn lương ở Việt Nam. Mức thu nhập bình quân của các lao động ngành nông - lâm - thủy sản thấp nhất: chỉ đạt 2,63 triệu đồng/tháng, trong khi lao động trong ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đạt 7,23 triệu đồng/tháng; ngành khoa học, công nghệ đạt 6,53 triệu đồng/tháng.

ILO cho rằng một trong những yếu tố để tăng lương đó là cần phải tăng năng suất lao động. Muốn tăng năng suất lao động cần chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển đổi từ nền kinh tế có tiền lương thấp sang nền kinh tế có năng suất lao động cao.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định chính sách tiền lương đã điều chỉnh nhiều để phần nào theo kịp biến chuyển của thị trường. Tuy nhiên, “hầu hết các DN đều lách luật và áp đặt mức lương để trả cho người lao động chỉ cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định một chút nên đời sống và thu nhập của người lao động không cao”.

Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết sắp tới, Công đoàn sẽ tăng cường thương lượng tập thể về tiền lương để đưa được mức lương tối thiểu DN trả cho người lao động cao hơn quy định của Chính phủ.

Năm 2013, có gần 30.000 thỏa ước được ký kết nhưng mới có khoảng 8%-10% thỏa ước đã thỏa thuận được mức lương bậc 1 lao động phổ thông cao hơn ít nhất 5% mức lương tối thiểu vùng. 

(Nguồn: Tổng LĐLĐ Việt Nam)
Văn Duẩn

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Camsa Việt Nam © 2014 - 2015. All Rights Reserved. Design by: Blogger
Top