CAMSA can thiệp thành công ở Algeri

CAMSA can thiệp thành công ở Algeri

6 10 99
CAMSA can thiệp thành công ở Algeri 10 6 99
Nạn nhân ở Algérie đã về Việt Nam an toàn

CAMSA - Sau hơn 2 tháng tranh đấu, 10 công nhân Việt vừa về đến Việt Nam từ Algérie, quốc gia Châu Phi nơi họ bị bắt làm việc không lương và chịu nhiều bất công.

"Chúng tôi mừng cho số đồng bào này, nhưng biết rằng cứ mỗi người được giải cứu thì còn cả nghìn nạn nhân khác vẫn tiếp tục bị đầy đoạ trong cảnh nô lệ", Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc BPSOS và đồng sáng lập Liên Minh CAMSA, nói.
Trung tuần tháng 9, Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu (CAMSA) nhận được lời cầu cứu của 9 thanh niên "xuất khẩu" lao động ở thành phố Oran, Algérie. Một trong 9 thanh niên này có chị định cư ở Đức nên biết đến các hoạt động của Liên Minh CAMSA.

Họ được công ty Công ty Cổ Phần Quốc Tế Nhật Minh (Namico) có trụ sở ở Hà Nội đưa sang Algérie tháng 4 năm nay với lời hứa hẹn là làm việc cho công ty xây cất của Pháp với lương xấp xỉ 600 USD một tháng. Nhiều người phải cầm cố nhà cửa, ruộng vường để trả phí dịch vụ cho công ty Nhật Minh từ 3 đến 3.2 nghìn USD.

Các công nhân chuẩn bị ra phi trường để hồi hương, ngày 22 tháng 11, 2014
Khi đến nơi họ mới vỡ lẽ là làm cho một công ty của người Trung Quốc -- công ty SOCIÉTÉ ALGÉRO CHINOISE -- ở thành phố biển Oran của Algérie. Họ bị công ty tịch thu tất cả hộ chiếu, và phải làm nhiều giờ hơn trong hợp đồng với mức lương chỉ bằng phân nửa số lương được cam kết.

Họ đã hai lần đến cầu cứu với toà đại sứ Việt Nam ở Algérie nhưng vô ích.

Trong khi đó, ngay khi nhận được lời cầu cứu của họ, Liên Minh CAMSA đã làm việc trực tiếp với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và chính quyền Algérie để đặt vấn đề với công ty Trung Quốc và toà đại sứ Việt Nam, đòi hỏi họ phải giải quyết cho các nạn nhân hồi hương.

Ngày 12 tháng 11, ông Vũ Hải Việt, giám đốc công ty Nhật Minh, và ông Nguyễn Đức Quý, người trước đây phát bằng chứng nhận nghề nhiệp cho các công nhân,đến Algérie để tiếp xúc với các nạn nhân. Họ cho biết đã đàm phán với công ty Trung Quốc và hứa sẽ đưa các công nhân về Việt Nam trong vòng 10 ngày.

Tuy nhiên họ ép các công nhân ký một văn bản với nội dung nhận mình có lỗi và sẽ bồi thường tiền cho công ty Nhật Minh. Họ còn nói là công nhân nào không ký thì không được về nước. Ai cũng sợ và vì đã cạn khả năng sinh kế nên ký tên. Duy nhất một người không chịu ký là anh Trần Văn Duy.

Ông Việt đe dọa anh Duy là về tới sân bay thì sẽ bị công an triệu tập ngay lập tức vì đã liên lạc và cầu cứu với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhưng anh Duy vẫn không chịu ký và đã tự viết một biên bản làm việc vạch ra những điểm làm sai hợp đồng và vi phạm pháp luật quốc gia bởi công ty Nhật Minh. Cuối cùng Ông Việt phảichấp thuận để đưa anh Duy về nước.

Trước triển vọng 9 công nhân được giải quyết hồi hương, thêm một công nhân Việt đang lao động ở công ty Trung Quốc này cũng ghi danh đòi về.

Cả 10 thanh niên đã về đến nhà an toàn. Họ phần lớn quê quán ở Hà Tĩnh và Bắc Ninh.

Theo Ts. Thắng, kể từ khi thành lập cách đây hơn 6 năm Liên Minh CAMSA đã trực tiếp và gián tiếp can thiệp cho gần 11 nghìn nạn nhân buôn người ở trên 20 quốc gia.

"Điều này chứng minh cho đồng bào trong nước thấy rằng người Việt ở hải ngoại có tấm lòng, có đạo đức và có khả năng với tay đến bất kỳ nơi nào trên thế giới để giải cứu họ," Ts. Thắng nói.

Ông cho biết Liên Minh CAMSA quyết tâm bài trừ tận gốc nạn buôn người ở Việt Nam, và năm 2015 sẽ là cao điểm thực hiện quyết tâm này.

Ghi chú:

Theo nghiên cứu sơ khởi của Liên Minh CAMSA, công ty Nhật Minh đã có những vi phạm Luật Người Lao Động Việt Nam Đi Làm Việc Ở Nước Ngoài Theo Hợp Đồng (72/2006/QH11 ngày 29 tháng 1, 2006) và những văn bản triển khai Luật này như sau:

(1) Điểm a khoản 1 Điều 27: Công nhân chỉ được ký hợp đồng 01 ngày trước khi lên đường. Trong ngày 10 tháng 4, công nhân ra công ty ký hợp đồng sau đó bay qua Algeria luôn. Theo Thông Tư Số 21/2007 Của Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội (điểm a khoản 2 Mục V) thì hợp đồng phải ký với người lao động ít nhất 5 ngày trước khi người lao động xuất cảnh.

(2) Điểm b khoản 1 Điều 27: Công ty Nhật Minh thu tiền trước khi công nhân ký hợp đồng, trái với Thông Tư Số 21/2007 (điểm b khoản 2 Mục V). Công nhân đã phải nộp số tiền mặt từ 60 đến 70 triệu VNĐ cho công ty trước khi được ký hợp đồng.

(3) Điểm a khoản 3 Điều 16: Các chi nhánh doanh nghiệp dịch vụ không được ký kết hợp đồng đưa người lao động đi làm việc nước ngoài. Có lẽ vì vậy mà Ông Nguyễn Phú Hào đã không ký hợp đồng mà chỉ ký tờ cam kết. Nếu vậy thì đây là việc làm có chủ mưu để lách luật. Ông Hào chỉ là nhân viên của công ty chi nhánh chứ không phải của công ty mẹ.

(4) Điều 20 và 21: Chiếu theo Thông Tư Liên Tịch Số 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 4 tháng 9, 2007, thì mức trần tiền môi giới và tiền dịch vụ không vượt quá một tháng lương cho mỗi năm hợp đồng. Mức lương tháng, theo hợp đồng, là 6,8 triệu VNĐ/tháng, thế nhưng tiền phí môi giới và dịch vụ mà Công ty Nhật Minh đã tính với công nhân là 60 đến 64 triệu VNĐ.

(5) Điểm đ, e và g, khoản 2, Điều 27: Công ty Nhật Minh đã không can thiệp khi công nhân bị thiếu dinh dưỡng, bị xâm hại sức khoẻ, bị trả lương thiếu, bị giữ hộ chiếu… Rõ ràng doanh nghiệp dịch vụ đã không thực thi đúng nghĩa vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân. Họ đã không giải quyết kịp thời các phát sinh vượt quá khả năng tự giải quyết của công nhân, nhất là sau khi công nhân đã nhiều lần yêu cầu trợ giúp.

Bài liên quan:

- 19 nạn nhân ở Algérie cầu cứu

- Công nhân Việt Nam ở Algeria đình công đòi lương (RFA)

- Công nhân Việt Nam tại Algeri bị thầu Trung Quốc bóc lột (RFI)

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Camsa Việt Nam © 2014 - 2015. All Rights Reserved. Design by: Blogger
Top