Nhắm mắt lấy chồng Trung Quốc

Nhắm mắt lấy chồng Trung Quốc

6 10 99
Nhắm mắt lấy chồng Trung Quốc 10 6 99
Ảnh: Các cô dâu Việt làm đăng ký kết hôn
 tại thành phố Phúc Châu - Viễn Sự
LTS: Đàn ông Trung Quốc đổ xô sang VN mua vợ, còn một số phụ nữ Việt Nam vì gia cảnh, vì kém hiểu biết..., nên ôm mộng kiếm được tiền gửi về cho gia đình khi lấy được chồng ngoài. Những tất cả đều không biết và cũng ko thể hình dung được nơi mình sẽ đến làm dâu. Vì vậy, hằng năm cứ có hàng nghìn người phụ nữ Việt Nam làm thân trâu ngựa cho người Trung Quốc. Không kiếm được tiền gửi về cho gia đình, ngược lại còn bị phục dịch để nhà chồng lấy lại vốn đã bỏ ra mua vợ về, đây cũng là một vấn nạn mà người VN có nguy cơ trở thành nô lệ cho Trung Quốc. Chúng ta nên tỉnh táo và cảnh báo cho tất cả mọi người để tránh khỏi vấn nạn này.
*   *
*
TTO - Đến thủ phủ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), đi qua căn nhà số 44 đường Cổ Đông, quận Cổ Lâu cứ tưởng đang lạc vào một nơi nào đó tại VN. Đó là Văn phòng đăng ký hôn nhân có yếu tố nước ngoài của tỉnh Phúc Kiến, nơi mỗi ngày đều có hàng chục phụ nữ VN lấy chồng người Trung Quốc đến đăng ký kết hôn.

Lần đầu rời quê

Tiết trời Phúc Châu những ngày này có khi hạ xuống còn 4-50C, lạnh thấu xương, nhưng cái rét ấy chưa bao giờ làm giảm đi những tốp cô dâu Việt đến đây đăng ký kết hôn.

Trong mấy ngày cuối tháng 12, lúc nào chúng tôi cũng nghe tiếng nói chuyện, cười đùa bằng tiếng Việt. Ba chiếc bàn được dùng để các cặp đến đăng ký khai tờ đăng ký kết hôn lúc nào cũng đầy những tấm hộ chiếu màu xanh của VN.

Những cô gái Việt có người dáng vẻ bỡ ngỡ, rụt rè, người nói chuyện liến thoắng, cười vui rôm rả, nhưng đều có điểm chung khi chúng tôi hỏi chuyện là không ai hình dung được nơi mình sẽ đến làm dâu.

Cô dâu Phùng Thị Lệ (22 tuổi, quê ở Đông Hải, Bạc Liêu) thiệt tình: “Hồi nào giờ em còn chưa ra khỏi Bạc Liêu, nhờ lấy chồng Trung Quốc mới lên Sài Gòn rồi qua đây luôn”.

Chồng Lệ là người quê ở TP Nam Bình, đã ngoài 40 tuổi, khuôn mặt đen đúa. Không giấu giếm, Lệ nói bên chồng chịu hết tiền làm đám, còn đưa cho cha mẹ Lệ 20 triệu đồng.

Chồng em nói qua đây chỉ ở nhà coi phim chứ không phải làm lụng gì. Em nghĩ vậy cũng sướng nên gật đầu. Ngồi xe từ Bằng Tường rồi tới đây làm giấy, hai bữa nữa em mới về nhà chồng” - Lệ thật thà.

Bàn kế bên hai cô dâu Trần Kim Loan (25 tuổi) và Hứa Mỹ Ngọc (24 tuổi) đều quê Hậu Giang cũng cười nói rôm rả, đùa giỡn với hai người chồng Trung Quốc. Ngọc cho biết các cô lẫn chồng đều chưa biết nhà nhau.

“Tụi em làm đám cưới chung ngay ở Đầm Sen (công viên nước Đầm Sen, TP.HCM) rồi đi luôn. Em chưa tính lấy, nhưng hai ông chồng của hai đứa em ở cùng một nơi nên em và Loan cưới luôn để được ở gần” - Ngọc nói lý do cưới chồng Trung Quốc một cách đơn giản.

Cô dâu Việt “áp đảo” 70-80%

Không phải cô dâu nào đến đây cũng trong tâm trạng thoải mái. Ở băng ghế dài cuối góc phòng, cô dâu Hà Thị Mến (23 tuổi, quê ở Trảng Bom, Đồng Nai) gục đầu vào thành ghế ủ rũ.

Biết chúng tôi là người Việt, Mến miễn cưỡng tiếp chuyện, nói vừa đi tàu lửa từ TP Kiến Dương về đây, trước đó còn phải đi một chặng đường dài từ nhà chồng bằng xe máy. Hóa ra Mến sang đây được gần một tháng, nay mới đi đăng ký kết hôn.

Và câu trả lời của Mến cũng tương tự những cô dâu VN khác khi không thể hình dung nhà chồng lại ở nơi quá xa xôi. “Đường từ đây về nhà chồng còn mệt hơn từ VN sang anh ạ!” - Mến nói, vẻ mặt đầy ám ảnh sau gần một tháng làm dâu Trung Quốc.

Anh Lâm Vĩ, nhân viên nhận hồ sơ đăng ký kết hôn, cho biết năm 2012 có đến hơn 4.000 cô dâu VN đến văn phòng đăng ký kết hôn với chú rể người Phúc Kiến. Không có con số thống kê đầy đủ nhưng Lâm Vĩ nói có những ngày chỉ toàn cô dâu VN đến đăng ký, còn bình thường cũng 70-80% là cô dâu Việt.

Trả nợ “mua” vợ

Đó là câu chuyện mà A Hoa, một thợ sửa xe đạp có vợ VN ở thị trấn Chương Đôn (TP Kiến Dương), nói với chúng tôi. A Hoa cho biết anh tốn hết 40.000 tệ để “mua” vợ. “Gia cảnh chúng tôi thế này khó lòng mà cưới vợ ở đây, gần như ai mua vợ cũng phải vay tiền” - A Hoa kể lể.

Và cũng vì thế mà theo A Hoa, nhà chồng mong muốn con dâu phải xứng đáng với “đồng tiền bát gạo”. “Thứ nhất là phải sinh được con, thứ hai là phải làm được việc để phụ nhà chồng bù lại khoản tiền đã bỏ ra mua vợ về” - A Hoa cười và nói thẳng như vậy.

Điều A Hoa nói là lý do đã làm “vỡ mộng” không biết bao nhiêu cô dâu Việt khi vừa đặt chân sang Trung Quốc. Trong khi các cô dâu Việt có mục đích sang đây kiếm thêm tiền gửi về giúp gia đình thì đa số nhà chồng Trung Quốc đều nghèo, họ muốn con dâu phải làm để trả nợ và giá nào gia đình chồng cũng phải giữ chặt con dâu Việt như một món hàng đã mua với giá cao.

Ở xóm núi Thiệu Thôn, thị trấn Chương Đôn (TP Nam Bình), các cô dâu Việt đã kể cho chúng tôi nghe về cô dâu Trần Thu Ngọc (quê Hải Phòng) bị phát bệnh thần kinh khi sang làm dâu được sáu tháng.

Làm dâu hơn hai năm, Ngọc không sinh được con và cũng không đủ bình thường để làm vợ. Nhưng nhà chồng vẫn nhất định không trả Ngọc về VN, họ muốn giữ Ngọc lại để làm lụng, bù lại phần nào món tiền lớn đã bỏ ra mua cô về.

Ở Phúc Châu chúng tôi gặp Trần Khởi Thiệu, người chuyên gom các chú rể Trung Quốc có nhu cầu sang VN mua vợ để giới thiệu.

Ông Trần cho biết giá trọn gói mua vợ VN hiện là 55.000 tệ nhưng năm tới sẽ lên 60.000 (hơn 200 triệu đồng tiền Việt). Nhưng éo le là số tiền ấy bị rất nhiều khâu môi giới “cắn” mất.

Không nhiều chú rể Trung Quốc biết nhà vợ ở VN chỉ nhận được 10-20 triệu đồng tiền lễ vật, thậm chí còn ít hơn. Mức chênh nhau giữa đồng tiền nhà chồng bỏ ra và gia đình cô dâu nhận được cứ thế lại càng làm cho khoảng cách giữa nhà chồng Trung Quốc và nàng dâu VN xa hơn. Và bi kịch của những cô dâu Việt cứ ngày mỗi chất chồng.

VIỄN SỰ - ĐÔNG PHƯƠNG (từ Phúc Kiến, Trung Quốc)

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Camsa Việt Nam © 2014 - 2015. All Rights Reserved. Design by: Blogger
Top