Hành Động Phải Có Kế Hoạch - Bài 1

Hành Động Phải Có Kế Hoạch - Bài 1

6 10 99
Hành Động Phải Có Kế Hoạch - Bài 1 10 6 99
Ảnh minh họa. BBC
Đằng Sau Cuộc Giải Cứu 15 Cô Gái Bị Bán Sang Nga

Ts. Nguyễn Đình Thắng - Bất cứ làm việc gì, dù lớn dù nhỏ, trước khi hành động thì đã phải có sẵn kế hoạch, nhất là khi kêu gọi sự hợp tác hay yểm trợ của người khác. Và kế hoạch thì phải có hai phần. Thứ nhất là phải có mục tiêu cụ thể, có thể định lượng, và có thời gian tính; mục tiêu ấy phải thể hiện lợi ích của đối tượng mình phục vụ. Thứ hai phải có các phương án rõ rệt để đạt mục tiêu.

Theo tôi, hành động có kế hoạch là một thái độ cần thiết không những để tăng triển vọng thành công mà còn là sự thể hiện lòngtôn trọng người khác.
Chúng tôi, gồm những người cùng góp sức với nhau từ bấy lâu nay, áp dụng nguyên tắc ấy trong mọi công việc, từ việc giải cứu nạn nhân buôn người hay bảo vệ đồng bào tị nạn đến những việc lớn hơn như kế hoạch Cứu Cồn Dầu, kế hoạch đòi tự do cho các tù nhân lương tâm, kế hoạh vận động Luật Nhân Quyền Cho Việ Nam hoặc kế hoạch cài điều kiện nhân quyền vào thương ước TPP; lớn hơn nữa như bài trừ nạn buôn người tận gốc, bảo vệ quyền văn hoá của các dân tộc bản địạ, hoặc chấm dứt tình trạng tra tấn; hoặc thật lớn như là kế hoạch 10 năm đem dân chủ đến cho Việt Nam. 

Loạt bài “Hành Động Phải Có Kế Hoạch” diễn đạt và minh hoạ thái độ cần thiết cho những ai thực tâm dấn thân cho đồng bào, cộng đồng hay dân tộc.

***

Cuộc giải cứu 15 cô gái Việt ở Nga là trường hợp hi hữu có thể minh chứng thái độ này. Nó hi hữu vì trong số trên dưới 70 cuộc giải cứu, liên quan đến trên 5 nghìn nạn nhân, thì đây là lần đầu tiên mà tiến trình giải cứu diễn ra một cách công khai, có truyền thông tường thuật từng bước một.

Mục tiêu của chúng tôi là giải thoát toàn bộ 15 nạn nhân và đưa họ về với gia đình ở Việt Nam.

Ngày 5 tháng 3, đang trong giai đoạn khó khăn nhất, chúng tôi tuyên bố sẽ đạt mục tiêu này trước cuối tháng 4. Trong một cuộc phỏng vấn liền sau đó, chị Thanh Trúc của Đài Á Châu Tự Do thắc mắc là làm sao có thể khẳng định thời điểm giải cứu khi mà đối phương dường như nắm trịch. Vào thời điểm ấy, vẫn còn 13 nạn nhân bị giữ làm con tin bởi bà chủ chứa, một người Việt mang quốc tịch Ucraina đã hoạt động mãi dâm 20 năm ở nhiều quốc gia. Bà ta mua được sự hỗ trợ của một số giới chức của toà đại sứ Việt Nam ở Nga, mua cả cảnh sát địa phương của Nga và thậm chí mua luôn toán cảnh sát quốc tế ở Bộ Công An Việt Nam.

Tôi có hứa sẽ trả lời vào một dịp thuận tiện. Và dịp ấy đã đến: những ngày cuối năm tương đối có thời gian.

Để đạt mục tiêu là giải thoát và hồi hương cả 15 nạn nhân, chúng tôi có 3 phương án hành động:

(1) Công khai hoá cuộc giải cứu để bảo toàn tính mạng cho các con tin.

(2) Tách li thủ phạm khỏi sự bao che của giới chức toà đại sứ Việt Nam và cảnh sát địa phương.

(3) Vận động chính quyền Liên Bang Nga nhập cuộc truy lùng thủ phạm và giải cứu con tin.

Trong phương án thứ nhất, chúng tôi truy thông tin về từng nạn nhân và liên lạc với gia đình của họ ở Việt Nam để lấy hình ảnh, giấy tờ. Kế đến chúng tôi sắp xếp để giới truyền thông Việt ngữ và quốc tế phỏng vấn thân nhân ở Hoa Kỳ và Canada của một số nạn nhân. Và rồi chúng tôi tuần tự công khai hoá một số hình ảnh và thông tin của nạn nhân để thủ phạm biết rằng đừng hòng thủ tiêu nạn nhân một cách êm thắm nhằm ém nhẹm thông tin.

Trong phương án thứ hai, chúng tôi sắp xếp để thu thập thông tin và chứng cớ về quan hệ mật thiết giữa thủ phạm và một số giới chức của toà đại sứ Việt Nam ở Nga. Chúng tôi lấy được phát biểu của thủ phạm về việc hối lộ cho các giới chức này và toán cảnh sát quốc tế từ Hà Nội sang Nga. Chúng tôi “nhả” các thông tin này theo tính cách leo thang nhằm cảnh cáo các giới chức Việt Nam ngưng bao che cho thủ phạm để tránh bị phanh phui không còn đường chối cãi.

Trong phương án thứ ba, qua Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, chúng tôi cung cấp cho cảnh sát liên bang Nga đầy đủ thông tin về thủ phạm, kể cả biển số xe, địa chỉ các nơi mà thủ phạm ẩn náu, và các nơi chốn mà thủ phạm thường lai vãng để làm ăn trong nghề cho vay nặng lãi. Trong tình thế ấy, rất khó để cảnh sát liên bang Nga không hành động. Kết quả là cảnh sát liên bang Nga đã ráo riết truy lùng thủ phạm để giải cứu nạn nhân – cảnh sát địa phương bị gạt sang bên và giới chức toà đại sứ Việt Nam không còn khả năng để bao che cho thủ phạm.

Để tránh bị bắt, thủ phạm phải thường xuyên di dời chỗ ở; kéo theo 13 nạn nhân làm con tin ngày càng trở thành gánh nặng. Thủ tiêu họ thì không được vì chúng tôi đã công bố tông tích của từng nạn nhân, mất người nào là mọi người biết ngay và thủ phạm càng nặng tội.

Ngày 2 tháng 3, nạn nhân đầu tiên được tự do và hồi hương. Ngày 4 tháng 3 nạn nhân thứ hai hồi hương.

Với hai nạn nhân này, cục diện đã thay đổi: chúng tôi có nhân chứng nếu cần truy tố và gia đình của hai nạn nhân cũng yên tâm hơn để hết lòng hợp tác với chúng tôi. Chúng tôi lấy thêm được nhiều thông tin về hoạt động của đường dây buôn người, kể cả quan hệ giữa thủ phạm và một số giới chức ở toà đại sứ Việt Nam.

Điều này cho phép chúng tôi ấn định thời điểm hoàn tất cuộc giải cứu cho 13 con tin còn lại: trước cuối tháng 4. Ngày 5 tháng3, chúng tôi công bố thời điểm.

Lý do chọn thời điểm này là vì vào tháng 6 hàng năm, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải nộp cho Quốc Hội Hoa Kỳ bản phúc trình về tình trạng buôn người trên thế giới với sự phân hạng từng quốc gia một. Quốc gia nào bị phân hạng 3, tức là hạng tệ nhất, sẽ phải đối diện nguy cơ bị chế tài bởi Hoa Kỳ. Cuối tháng 4 là thời điểm hoàn tất việc phân hạng.

Chính quyền Nga và Việt Nam biết rằng vụ buôn 15 cô gái Việt sang Nga, nếu không được giải quyết ổn thoả trước cuối tháng 4, có thể ảnh hưởng đến việc phân hạng của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đối với cả hai quốc gia. Còn đối với thủ phạm, nếu bị đưa vào bản phúc trình thì đó chẳng khác nào một phán quyết tội trạng đóng lên trán.

Qua một con tin, tôi báo trước cho thủ phạm biết rằng bắt đầu tháng 4 vụ việc sẽ được đưa ra Quốc Hội Hoa Kỳ, và như vậy Bộ Ngoại Giao sẽ không thể không đưa nó vào bản phúc trình gởi Quốc Hội. Và chúng tôi thực hiện đúng vậy: Ngày 11 tháng 4, chị ruột của một nạn nhân ở Nga ra điều trần ở Quốc Hội.

Kế tiếp, cũng qua con tin này, tôi cho thủ phạm biết là tuần sau chính tôi sẽ ra điều trần trước Quốc Hội nếu như thủ phạm không thả hết mọi con tin

Ngày 18 tháng 4, tôi ra điều trần. Ngày 19 tháng 4, nạn nhân cuối cùng hồi hương.

Cuộc giải cứu 15 cô gái Việt ở Nga được thực hiện theo kế hoạch định ra từ trước, với mục tiêu và các phương án cụ thể, có thời điểm rõ ràng. Có vậy thì chính mình và những người phối hợp hay yểm trợ mình mới có thể đo lường tiến triển của kế hoạch, để còn điều chỉnh phương án khi cần thiết và đánh giá khả năng của người thực hiện kế hoạch.

Chúng ta không thể nói suông, lý luận mơ hồ, tuyên bố khơi khơi và mong đạt kết quả. Chúng ta lại càng không thể kêu gọi người khác yểm trợ cho mình mà không nói trước mục tiêu sẽ đạt mà chính họ có thể theo dõi và phối kiểm. Chúng ta không thể mời gọi người hợp tác mà không có phương án chi li, rõ rệt. Làm việc có kế hoạch thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng tôn trọng đối với đối tượng mình phục vụ và tất cả những ai tin nơi mình, hợp tác với mình và yểm trợ mình.

Đó là đạo đức của người dấn thân trong bất kỳ một công cuộc nào.

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Camsa Việt Nam © 2014 - 2015. All Rights Reserved. Design by: Blogger
Top