Cô dâu Việt bị trang mạng Trung Quốc rao bán với giá 35 triệu đồng (ảnh internet). |
LTS: Tình trạng nhiều cô dâu lấy chồng nước ngoài qua hình thức môi giới hôn nhân phát triển mạnh trong thời gian gần đây và có chiều hướng tăng dần. Không ít cô gái đến từ vùng quê nghèo đã chọn kết hôn với những người đàn ông nước ngoài mà không hề quen biết. Mặt khác, như tại nước Trung Quốc tình trạng đàn ông không lấy được vợ, vì tỷ lệ chênh lệch về giới tính, nên họ đã tìm đủ mọi cách để cưới được vợ Việt Nam thông qua nhiều hình thức: Buôn bán phụ nữ, môi giới cô dâu. Họ thích cô dâu Việt với ưu nhìn, giá rẻ, cần cù,..
Dưới đây là bài báo trên http://www.doisongphapluat.com/ nói về Ký ức buồn của những cô dâu miền Tây từng thoát khỏi nơi xứ người.
TRỌNG NGHĨA: Nhiều người đang rất phẫn nộ khi mấy ngày qua, trang mạng Taobao của Trung Quốc đăng thông tin rao bán cô dâu Việt như món hàng. Từ thông tin này, PV báo ĐS&PL tìm về các tỉnh miền Tây, nơi có rất nhiều thiếu nữ lấy chồng nước ngoài đã thoát khỏi "địa ngục trần gian" để nghe họ kể hành trình làm dâu nơi đất khách quê người.
Những tháng ngày tủi nhục
Thời gian gần đây, cư dân mạng rỉ tai nhau thông tin về việc một trang mạng Trung Quốc rao bán cô dâu Việt với giá tương đương 35 triệu đồng. Đáng nói, những thông tin này gây tò mò hơn khi được công khai đúng dịp Ngày lễ Độc thân (11/11) tại Trung Quốc.
Để tìm hiểu về cuộc sống của những người phụ nữ lấy chồng nước ngoài, sáng 22/11, PV báo ĐS&PL tìm đến nhà Nguyễn Thị Thanh (20 tuổi, ngụ xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Thanh là nạn nhân của bọn buôn người. Cô bị bán sang Trung Quốc để làm dâu. Tháng ngày bên xứ người được xem là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời Thanh. Cô bị bắt phải làm những công việc vất vả và tủi hổ. Bên đống quần áo đang giặt dở dang, Thanh bày tỏ: “Đọc được thông tin trên mạng về việc cô dâu Việt bị rao bán, em cảm thấy rất bức xúc. Là người trong cuộc, em hiểu phần nào sự cực khổ của các cô gái Việt khi phải sống nơi xứ người. Sang đó, mỗi người một hoàn cảnh, không ít các cô dâu Việt bị coi như một món hàng”.
Thanh cho biết thêm, may mắn là cuối cùng cô cũng được giải thoát khỏi nơi “địa ngục”. “Em cảm thấy mình may mắn hơn những người phụ nữ khác vẫn đang phải ở bên đó. Bởi họ phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian”. Chỉ mong rằng, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm rõ và giải thoát cho các chị”, Thanh nói.
Cũng giống như Thanh, Lê Thị Hồng (21 tuổi, ngụ xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cũng từng phải làm dâu xa xứ. Nói chuyện với PV, Hồng chia sẻ: “Trước đây, vì ước muốn đổi đời, tôi cũng chấp nhận lấy chồng Trung Quốc. Quãng thời gian hơn 2 tháng tôi ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chẳng khác gì địa ngục. Tôi thường xuyên bị bố chồng quấy rối. Mặc dù chồng tôi biết nhưng cũng cố ý làm ngơ để mặc vợ bị xâm hại. Tôi nghĩ, việc các chị bị rao bán (ý nói cô gái bị rao trên trang Taobao - PV) chắc cũng không khác gì tôi, phải chịu cuộc sống cơ cực, tủi nhục. Sau khi chán, bọn người đó lại rao bán cô ấy như một món hàng”.
Chị Hồng tâm sự, trong thời gian làm dâu xa xứ, chị vừa phải đối diện với cuộc sống tủi nhục vừa chịu đựng nỗi nhớ nhà. Đã bao lần, chị nghĩ đến chuyện bỏ trốn nhưng không tiền, không biết đường. Hồng sợ nếu trốn bất thành sẽ bị người nhà chồng bắt nhốt lại, hành hạ.
Mong đổi đời thành bị chuộc
Thực tế cho thấy đã có rất nhiều cô gái Việt vì muốn đổi đời nên đã lấy chồng nước ngoài, trong đó có người Trung Quốc. Tuy nhiên, trong số đó, rất ít người có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc bên gia đình chồng. Thực tế, các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh cô dâu này bị chồng đánh đập tàn nhẫn, cô dâu khác bị thiệt mạng, gây không ít phẫn nộ trong dư luận.
Cô dâu Việt giá 35 triệu đồngPV đã có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Hồng Phương (26 tuổi, ngụ TP.Cao Lãnh), cũng lấy chồng nước ngoài, hiện đang sống ở Đài Loan (Trung Quốc). Phương cho biết, chị may mắn lấy được người đàn ông trong gia đình tử tế, được chồng yêu thương. Sau một thời gian chung sống, Phương đã được chồng bảo lãnh nhập tịch. Tuy nhiên, không phải ai cũng được may mắn như vậy. “Gần nơi sinh sống, tôi chứng kiến không ít các chị em người Việt phải sống cuộc sống khổ cực. Họ không được tự do đi lại cũng như tiếp xúc với người lạ, kể cả với người thân của mình. Vì cuộc sống tù túng như vậy nên hầu hết các cô dâu Việt đều hối hận về quyết định lấy chồng ngoại và mong mỏi được trở về nhà”.
Theo tìm hiểu của PV, thông tin cô dâu Việt bị rao bán tại một trang mạng của Trung Quốc có tên Taobao, đây là một trang kinh doanh hàng qua mạng, nếu cửa hàng nào muốn bán hàng chạy đều phải thông qua trang Taobao đăng tải thông tin quảng cáo. Theo đó, mẫu quảng cáo trên Taobao viết: “Đợt mua sắm cô dâu Việt nhân ngày Song thập nhất nào. Chỉ với 9.998 nhân dân tệ (tương đương 35 triệu đồng-PV) sẽ có ngay một cô vợ xinh đẹp”, kèm theo đó là hình ảnh cô dâu Việt trong trang phục truyền thống Trung Quốc. Đơn vị đăng mẫu quảng cáo này là cửa hàng Wang Xiao Xi.
Còn với cô dâu Lê Thị Hồng, sau khi rời khỏi “địa ngục trần gian”, Hồng nói với PV rằng, sống ở quê hương mình, có khó khăn còn được bà con lối xóm đùm bọc chia sẻ, khi đã lấy chồng nước ngoài, dù đau đớn, tủi hổ thế nào thì cũng phải tự cắn răng chịu đựng một mình. Hồng tưởng rằng lấy chồng ngoại sẽ được đổi đời, nào ngờ chỉ một thời gian ngắn làm dâu, Hồng phải nhờ người thân mang 30 triệu đồng sang chuộc thì mới được trở về nhà. “Tôi mong rằng qua câu chuyện của tôi, các chị em đang có ý định lấy chồng ngoại sẽ cân nhắc, để không mắc phải sự việc đáng tiếc, đến khi nhận ra thì đã quá muộn”, chị Hồng nói.
Riêng về Nguyễn Thị Thanh, sau khi may mắn được giải thoát, cô chuẩn bị đón niềm vui mới. Công việc ổn định, sắp tới Thanh chuẩn bị lên xe hoa cùng một người đàn ông hiểu và thông cảm cho quá khứ của cô. Mặc dù người chồng sắp cưới không giàu có, không thể làm Thanh “đổi đời” trong thoáng chốc nhưng đó là niềm vui thực sự đối với cô. Thanh mạnh dạn chia sẻ: “Tôi từng bị bọn buôn người bán qua Trung Quốc làm dâu, nhưng do tôi chống đối nên chúng bắt làm nhân viên massage. Chúng vắt kiệt sức tôi và những chị em cùng cảnh ngộ, bắt làm việc từ sáng đến tối, đến bữa chỉ cho ăn đồ ăn thiu, thừa. Chúng tôi không được giữ tiền bạc, vì chúng bảo để trừ nợ số tiền đã bỏ ra mua chúng tôi. Không chịu được vất vả, tôi đã đồng ý làm dâu cho một gia đình bên ấy. Bị bạo hành, bị khinh rẻ, nhiều khi tôi đã nghĩ đến chuyện tự vẫn để giải thoát bản thân”.
Thanh còn cho biết, qua câu chuyện của mình và những chị em cùng cảnh ngộ, mong rằng đó sẽ là bài học cho những cô gái có ý định lấy chồng ngoại với mong muốn đổi đời. Hệ lụy từ việc này là khôn lường và không ít trường hợp gặp phải chuyện cay đắng, thiệt thân.
Không phải là thông tin chính thốngTrao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đồng Tháp xác nhận: “Trong những năm trở lại đây, số lượng chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh lấy chồng ngoại giảm mạnh. Bên cạnh đó, không chỉ các chị em lấy chồng Trung Quốc mà còn đa dạng các quốc gia khác như Mỹ, Pháp… Cũng trong năm nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp không có trường hợp chị em nào bị lừa, hay gặp tình cảnh éo le nơi xứ người. Được như vậy là vì ở Hội có tổ tư vấn cho các chị em phụ nữ trước khi quyết định lấy chồng ngoại. Tổ tư vấn làm nhiệm vụ phân tích, đánh giá nguy cơ, bất trắc trong từng cuộc hôn nhân cụ thể. Tôi cho rằng, việc trang mạng kia rao bán cô dâu Việt không phải là nguồn tin chính thống. Bởi chưa có cơ quan nào lên tiếng xác nhận việc cô dâu Việt bị bán”.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Nguồn: ĐSPL
http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/ky-uc-buon-cua-nhung-co-dau-thoat-khoi-dia-nguc-tran-gian-a121562.html
0 nhận xét:
Post a Comment