1 đối tướng mua buôn bán người bị công an Hà Nội bắt giữ. |
LTS: Những băng nhóm hoạt động về buôn bán phụ nữ và trẻ em luôn dùng thủ đoạn mới và khác nhau. Chúng thường lui tới các vùng nông thôn, dân tộc, để tìm những, mánh khỏe, khe hở, dõi theo các cô gái trẻ, ham chơi dụ dỗ, hứa xin việc làm với mức lương thu nhập cao, hay lừa bằng cách đi du lịch, đi chơi xa nhằm tìm cách lừa bán sang Trung Quốc. Đặc biệt những kẻ buôn người dùng chiêu trò lên Facebook làm quen với các cô gái trẻ, rồi cho quà để lấy lòng tạo niềm tin, dùng những lời “đường mật” để dụ các nạn nhân vào “bẫy”.
Dưới đây là bài viết trên trang báo baoquangninh.com.vn nói về những “chiêu” dụ dỗ của những đối tượng buôn người qua nhiều hình thức quen biết, với sự thuận lợi nắm rõ địa bản nơi địa phương mình, cũng như thuận lợi nơi bán. Vì đồng tiền mà những kẻ buôn bán người mất hết nhân tính, lừa bán cả em Họ của mình, người thân, láng giềng sang Trung Quốc.
(Hà Trang - Tùng Lâm): “Tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT trên địa bàn” - Thượng tá Vũ Mạnh Thường, Đội trưởng Đội Chống tội phạm mua bán người, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đánh giá và cho biết hoạt động của loại tội phạm này rất rộng, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Bị anh họ lừa bán sang Trung Quốc
Tháng 7-2015, cơ quan CSĐT - Bộ Công an nhận được đơn tố cáo của cháu L.T.P (15 tuổi, ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) về việc cháu bị một số đối tượng lừa bán, ép kết hôn với một người đàn ông ở Hàm Đan, Trung Quốc. Sau 2 ngày ở nhà chồng, cháu P đã tìm cách bỏ trốn. Được sự giúp đỡ của người dân địa phương và công an sở tại, cháu P đã được đưa về nước qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Quá trình điều tra, Cục Cảnh sát hình sự xác định, giữa năm 2015, do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình buộc cháu P phải nghỉ học sớm. Buồn chán, P đã tâm sự với anh họ là Xeo Văn Thông (SN 1992, ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương). Sau khi biết cháu P muốn theo bạn bè lấy chồng xa để đổi đời, Thông đã nhờ Kha Văn Nguyền (SN 1967, ở cùng xã) môi giới bán P sang Trung Quốc.
Qua sự chắp mối của các đối tượng trung gian, cháu P trở thành nạn nhân của đường dây mua bán người do Vi Thị Loan (SN 1992, ở xã Cam Lâm, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) cầm đầu. Cơ quan điều tra làm rõ, năm 2009, Loan lấy chồng ở Hàm Đan, Trung Quốc. Thời gian ở bên kia biên giới, Loan tìm được “đối tác” cần tuyển vợ là người Việt Nam nên đã về nước dụ dỗ các cô gái trẻ. Được trả công cao (khoảng 160 triệu đồng/phụ nữ), Loan tận dụng các mối quan hệ tại quê nhà để săn tìm các cô gái trẻ.
Trực tiếp giúp sức cho đối tượng còn có Vi Thị Nhung (SN 1988, cùng ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương). Mỗi phi vụ trót lọt, Loan đều trả công hậu hĩnh cho các "mắt xích" có vai trò tích cực. Như vụ lừa bán cháu P sang Trung Quốc, Nhung đã đến tận nơi xem mặt và ngã giá. Cho rằng mức giá 130 triệu mà Xeo Văn Thông đưa ra là quá cao, các đối tượng mua bán người chỉ đồng ý trả 100 triệu đồng, hẹn 10 ngày sau khi giao dịch sẽ thanh toán.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, một người đàn ông Trung Quốc đã mua cháu P về làm vợ với giá 7 vạn Nhân dân tệ, tương đương 250 triệu đồng. Trong số này, Loan được nhận 4,5 vạn Nhân dân tệ, còn đối tượng môi giới Trung Quốc hưởng phần còn lại. Tuy nhiên, vì P bỏ trốn nên người đàn ông mua vợ đã truy tìm nhóm của Loan đòi lại tiền.
Do đó, khi bị bắt, các đối tượng liên quan đều chưa nhận được tiền như đã thỏa thuận với Loan. Căn cứ nội dung vụ án, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp các đối tượng Xeo Văn Thông, Vi Thị Nhung, Kha Văn Nguyền về hành vi mua bán trẻ em, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng, truy bắt các đối tượng liên quan. Riêng Vi Thị Loan do đang mang thai nên được tại ngoại, giao cho chính quyền địa phương quản lý, giám sát.
Nhiều phương thức mới
Theo Thượng tá Vũ Mạnh Thường, địa bàn Hà Nội vẫn được tội phạm mua bán người sử dụng làm nơi trung chuyển “hàng” đi các tỉnh tuyến biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn và nạn nhân rơi vào tay bọn buôn người đều bị bán sang bên kia biên giới cho các chủ chứa mại dâm hoặc bị ép làm vợ người nước ngoài.
Tội phạm mua bán người thường lang thang tới các vùng nông thôn để tăm tia, tìm mục tiêu là các cô gái trẻ, ham chơi, từ đó dụ dỗ, hứa hẹn xin việc làm có thu nhập cao, hay rủ đi du lịch ở các tuyến biên giới phía Bắc, rồi lừa gạt bán sang Trung Quốc.
Qua trao đổi với một số nạn nhân của những vụ mua bán người, chúng tôi được biết gần đây, tội phạm này thường dùng chiêu thức lên facebook để làm quen với các cô gái, sau đó cho quà đắt tiền để lấy lòng, rồi gạ gẫm, dụ dỗ các nạn nhân theo chúng lên biên giới và đưa sang Trung Quốc bán. Cháu Nguyễn Thị H (17 tuổi), quê ở Thái Nguyên, nạn nhân trong một vụ buôn người vừa được Công an Hà Nội giải cứu tâm sự: “Cháu rất tủi nhục vì trót nghe theo lời một bạn trai quen qua mạng internet.
Lúc đầu, anh ta ngon ngọt hứa tìm cho việc làm tử tế ở khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Cháu tin và đi theo anh ta đến vùng giáp biên thì bị một nhóm người lạ đe dọa, ép sang Trung Quốc. Tại đây, cháu bị bọn buôn người đưa đến một quán ăn hoạt động mại dâm trá hình và hàng ngày phải tiếp từ 5 - 10 khách làng chơi”. Ngoài những “chiêu” trên, theo Thượng tá Vũ Mạnh Thường, gần đây tội phạm mua bán người còn dụ dỗ, lừa gạt những phụ nữ đang mang thai và những người khỏe mạnh để bán cho các đường dây buôn bán bào thai, nội tạng người trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Trong những tháng đầu năm 2015, lực lượng CSHS Hà Nội đã thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền phòng ngừa hoạt động của tội phạm mua bán người, nắm chắc tình hình địa bàn, tập trung vào khu vực bến tàu, nhà ga, bến xe, các địa điểm công cộng như vườn hoa, công viên, nơi vui chơi giải trí, quán internet... là những địa điểm đối tượng buôn người thường dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em để bán sang Trung Quốc. Cùng với các biện pháp phòng ngừa tội phạm, Công an Hà Nội và các ban, ngành chức năng còn thường xuyên tạo việc làm cho nạn nhân các vụ mua bán người, để họ sớm hòa nhập cộng đồng và gia đình, xóa bỏ mặc cảm của những tháng ngày tủi nhục trong tay bọn buôn người.
Theo lực lượng Chống tội phạm mua bán người, Phòng CSHS - CATP Hà Nội, từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn Hà Nội chỉ xảy ra 1 vụ mua bán người và lực lượng CSHS đã phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng liên quan đến đường dây tội phạm này. Cũng từ đầu năm đến nay, Phòng CSHS - CATP đã phối hợp với Công an, Bộ đội biên phòng các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn và Công an Trung Quốc phát hiện, giải cứu được 3 nạn nhân của các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em, đưa họ về đoàn tụ với gia đình.
Hoạt động của tội phạm mua bán người tuy đã được lực lượng Công an Hà Nội kiềm chế, nhưng đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng các nạn nhân của những vụ buôn người và gia đình họ vì một số lý do nào đó đã không dũng cảm trình báo, tố giác hành vi tội phạm với cơ quan công an. Điều này gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, khám phá các vụ án mua bán người của lực lượng công an, khiến tội phạm buôn người vẫn còn “đất” để hoạt động.
Để công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn người đạt hiệu quả hơn, đề nghị mọi người dân có thông tin về hoạt động của tội phạm này liên hệ ngay với Đội Chống tội phạm mua bán người, Phòng CSHS - CATP Hà Nội theo số điện thoại: 0.439.396.153, hoặc công an nơi gần nhất. Cơ quan điều tra sẽ đảm bảo bí mật tuyệt đối cho người cung cấp tin, hay trình báo, tố giác tội phạm mua bán người.
Nguồn: http://anninhthudo.vn/
0 nhận xét:
Post a Comment