Bát phở đánh đổi giá 8 năm tù về tội buôn người

Bát phở đánh đổi giá 8 năm tù về tội buôn người

6 10 99
Bát phở đánh đổi giá 8 năm tù về tội buôn người 10 6 99
Phạm nhân Nguyễn Văn Hùng

 LTS: Từ trước tới nay, ở Việt Nam tình trạng mà các nạn nhân đã trở thành tội phạm thông qua việc giúp đỡ cho nhiều người khác, như việc cầm hộ các túi xách cho người khác nhưng không biết trong túi có những gì? hay giúp người vượt biên mà không biết việc làm ơn của mình đã trở thành kẻ buôn người,…để rồi khi mình bị bắt mới biết việc làm của mình bị những kẻ dấu lợi dụng và rồi những người thân trong gia đình, bạn bè, mọi người lánh xa mình.

Dưới đây là bài viết trên trang nguoiduatin.vn nói về việc làm của anh Nguyễn Văn Hùng đang ở chốn lao tù, kể lại sự việc lỗi lầm khi mình tin lời bạn và giúp đỡ bằng cách dẫn các cô gái qua biên giới, để rồi gánh lấy tai họa.

(Mai Hạ): Trần tình với PV báo Người đưa tin, phạm nhân Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1976, trú tại xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), đang cải tạo tại trại giam Nam Hà, bảo 8 năm là hình phạt quá nặng đối với anh ta bởi từ trước tới nay, anh ta chỉ biết có làm ăn, chưa một lần có ý nghĩ buôn bán ai để kiếm tiền.

Bát phở đổi 8 năm tù

Là con lớn trong một gia đình có 3 anh em nhưng ngay từ nhỏ Hùng đã không muốn theo nghề truyền thống của gia đình là đóng bàn ghế, đồ gỗ mỹ nghệ. Chọn con đường buôn vải, quần áo và đồ điện dân dụng, Hùng thường lên cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn đánh hàng về Hà Đông đổ buôn cho các đại lý.

“Tôi đi buôn từ rất sớm, học xong phổ thông là đã đi buôn rồi, được một năm thì lấy vợ vì nghĩ đằng nào cũng lấy thì lấy sớm để sau này về già thảnh thơi”, Hùng kể.

Vợ Hùng là người cùng làng, cũng đảm đang, chăm chỉ nên ngoài việc đưa hàng bán cho các đại lý, các sạp vải thì Hùng cũng lấy cả hàng về cho vợ đem ra chợ gần nhà bán.

Sau 5 năm buôn bán, vợ chồng Hùng dành dụm được một khoản tiền lớn nên bàn nhau xây nhà và mở xưởng may để vợ dù ở nhà trông con nhưng vẫn kiếm ra tiền. Khi ngôi nhà khang trang đang được hoàn thiện thì Hùng bị bắt.

“Hôm đó tôi đang ngồi bàn với anh em thợ xây nên dùng vật liệu gì để hoàn thiện công trình phụ thì mấy anh công an huyện vào. Họ hỏi tôi có phải hôm trước đi xe gây tai nạn không. Tôi bảo không biết thì họ mời lên trụ sở làm việc. Khi tôi lên, họ bảo tôi phạm tội buôn người. Tôi cứ ớ ra vì không biết mình gây án vào lúc nào cho đến khi được xem lá đơn trình báo của hai cô gái trẻ cùng lời khai của hai người nữa”, Hùng kể.

Theo lời Hùng thì vì thường xuyên lên Lạng Sơn đánh hàng về Hà Đông bán nên việc qua lại vùng cửa khẩu, anh ta rất thạo. Đã vài lần, vì muốn có hàng mới, hàng rẻ nên Hùng đã sang chợ Pò Chài ở bên kia biên giới để mua.

Biết Hùng thông thạo địa bàn lại có mối quen biết với những người bên kia biên giới nên nhiều người ở Hà Đông và cả ở Phú Xuyên quê Hùng, mỗi khi lên Lạng Sơn chơi, muốn qua cửa khẩu để tham quan và mua hàng đều nhờ Hùng dẫn đi. Chính vì đã thành lệ như thế nên chẳng khi nào Hùng tìm hiểu xem ngoài mục đích sang đó chơi, mua hàng, họ còn làm những việc gì nữa.

“Tôi chẳng nhớ mình đã dẫn người quen vượt biên giới bao lần, cũng không quan tâm họ mua nhiều đồ hay ít. Thậm chí họ đi bao nhiêu người, tôi cũng đâu để ý vì đấy đâu phải việc của tôi. Chính vì thế mà tôi mới chết, mới phải ngồi đây”, Hùng kể.

Theo lời anh ta thì khoảng giữa năm 2009, Hùng đang đi mua hàng ở thành phố Lạng Sơn thì nhận được điện thoại của Đào Thị Thắm, một người bán hàng ở chợ Hà Đông, nhờ đưa lên cửa khẩu để đi chợ đường biên. Vì là chỗ bán buôn với nhau nên Hùng đồng ý.

Hôm đó, ngoài Thắm còn có cả Ngô Thị Hoa, cũng là người bán hàng ở chợ Hà Đông và hai hay ba người nữa đi cùng, Hùng không nhớ chính xác.

Vì Thắm nói muốn đi về trong ngày nên Hùng đã dẫn họ theo lối đường mòn sang bên kia biên giới. Đến chợ, Hùng để họ tự đi mua đồ còn anh ta vào những cửa hàng quen để lấy hàng. Chiều đến, gửi hàng cho cửu vạn để chuyển ra xe khách xong, Hùng đi tìm Thắm với mục đích xem họ đã mua hàng xong chưa để cùng quay về thì thấy chỉ có Thắm và Hoa ngồi đợi.

Hùng có hỏi những người đi cùng ban sáng thì nhận được câu trả lời “họ gặp người quen nên ở lại chơi vài hôm”. Hùng tưởng thật nên cùng hai người phụ nữ này vào quán ăn lót dạ trước khi về nước. Bữa ăn đó, Thắm là người trả tiền.

“Càng nghĩ tôi càng cay. Gần chục năm đi buôn, tôi lạ gì mấy món ăn ở Pò Chài đâu. Hôm đó, ba người gọi ba bát phở, toàn thịt lợn, đói thì ăn tạm chứ ngon gì đâu. Đúng là há miệng mắc quai, bát phở đánh đổi 8 năm tù, chát quá”, Hùng than.

Anh ta bảo thứ anh ta mất mát nhiều nhất không phải tiền hàng tồn đọng bị bạn hàng xù nợ mà đó là sự nghi ngờ của người thân trong gia đình. Từ ngày vào trại giam cải tạo đến nay, bố mẹ Hùng không một lần vào thăm con mặc dù gia đình có thừa điều kiện để thăm nuôi. Bố Hùng tuyên bố không nhìn mặt đứa con mất dạy. Nghe vợ kể, Hùng chỉ biết cay đắng.

"Dự định ngày hoàn lương tôi vào trại Nam Hà từ cuối năm 2010, tính ra đã thi hành án được 5 năm rồi, cũng được xét giảm án 2 lần. Nếu không có gì thay đổi chỉ cuối năm nay hoặc sang năm là tôi hết án”, Hùng tâm sự.

Hỏi Hùng đã có dự định nào chưa, anh ta cười một cách tự tin: “Có rồi chứ. Ngay từ lúc vào tù tôi đã tính rồi, giờ chỉ còn phụ thuộc vào thời gian thôi”.

Ngày bị bắt, Hùng đang làm nhà nhưng không vì thế mà kế hoạch xây nhà bị đổ bể. Từ trong trại giam, Hùng vẫn đều đặn chỉ đạo việc xây nhà thông qua việc người vợ hàng tháng vào thăm nuôi. Hùng kể rằng cuối năm 2010 thì căn nhà của vợ chồng Hùng căn bản hoàn thành. Theo kế hoạch, vợ Hùng không đi chợ bán hàng nữa mà ở nhà mở xưởng may.

Với 10 đầu máy khâu, nhân công chủ yếu là con cháu trong nhà, vợ Hùng tung ra thị trường một lượng hàng không nhỏ. Ở trong trại, Hùng theo dõi sát sao công việc của vợ. Mỗi tối đi lao động về, anh ta lại chăm chú xem thời sự rồi nghĩ cách thiết kế những mẫu mã quần áo, túi vải hợp thời trang để khi vợ lên thăm sẽ chuyển về nhà cho thợ cắt may. Chính vì nghĩ trước sau sẽ không bỏ nghề may mặc, bán quần áo nên ngay từ khi vào trại giam cải tạo, Hùng đã xin về đội may lao động.

Hùng bảo dẫu biết làm ở đâu cũng là cải tạo lao động nhưng làm ở đội may sẽ giúp anh ta không quên nghề, có điều kiện tiếp thu kỹ thuật nhất là việc sửa chữa máy móc để sau này về nhà có cơ hội phát huy.

Hỏi Hùng về con cái, anh ta hồ hởi: “Hai thằng nhà tôi đứa lớn năm nay tốt nghiệp rồi, đứa bé học lớp 8. Cả hai thằng đều ngoan và biết nghe lời mẹ”.

Năm đầu tiên Hùng bị bắt, không chỉ bố mẹ mà ngay cả hai đứa con của Hùng cũng không khỏi ngỡ ngàng. Chúng oán trách bố, nói với mẹ là sẽ bỏ học khiến Hùng sau khi nhận được thông tin từ vợ, ruột gan như lửa đốt. Sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, cân nhắc thiệt hơn, Hùng quyết định nói chuyện với hai con.

Anh ta gọi điện về nhà cho vợ, bảo vợ lần tới lên thăm đưa cả hai đứa con đi cùng vì “bố có chuyện cần kíp muốn nói”. Tưởng có chuyện gì đó động trời, vợ Hùng vội vã đưa con lên thăm bố.

“Lần thăm gặp ấy, tôi nói chuyện thẳng thắn với các con. Tôi chẳng giấu giếm tội lỗi của mình, kể cho chúng nghe về những uẩn khúc trong việc làm của tôi rồi đề nghị chúng nếu thông cảm được thì tha lỗi cho bố. Sau lần gặp ấy, cả hai đứa không còn kêu bỏ học nữa”, Hùng kể.

Điều mà Hùng băn khoăn nhất ấy là về số tiền đền bù cho người bị hại mà nếu trả được thì với kết quả cải tạo năm nào cũng được xếp loại khá như hiện nay, nếu có đặc xá, Hùng sẽ có tên trong danh sách đề nghị.

Theo bản án, Hùng bị TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt 8 năm tù về tội buôn người, ngoài ra còn phải bồi thường số tiền 2,4 triệu đồng cho bị hại.

“Tôi đã muốn thực hiện việc bồi thường ngay hôm tòa xử nhưng bị hại không có mặt. Gửi bên thi hành án thì họ trả lại vì không có địa chỉ người bị hại để chuyển. Gia đình tôi muốn tìm bị hại để gửi số tiền trên nhưng không biết bị hại ở đâu để bồi hoàn, thành thử lại gây khó dễ cho tôi”, Hùng kể.

Điều anh ta băn khoăn là đúng bởi đó là quyền lợi và nhất là với những người đang nóng lòng trở về nhà với những dự định hoàn lương rất chính đáng như Hùng. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này, thiếu tá Dũng, đội trưởng đội giáo dục trại giam Nam Hà, cho biết trường hợp không tìm được bị hại để bồi thường thiệt hại như phạm nhân Hùng không phải là cá biệt.

Tuy nhiên với chức năng và quyền hạn của trại, đơn vị chỉ có thể giúp anh ta làm đơn khất nợ cho đúng thủ tục, ngoài ra không thể làm gì khác. Nghe tôi nói lại, Hùng chỉ cười rồi bảo được về sớm là điều ai cũng mong muốn còn không thì ở lại vài tháng nữa cũng chẳng sao vì mình đã xác định rồi.

Đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với phạm nhân nhưng rất ít khi tôi gặp được người tự tin với những dự định của mình như Hùng. Mong sao những dự định Hùng nói là thật và đó sẽ là điểm tựa để anh ta vững vàng hơn trong công cuộc làm giàu của gia đình.


0 nhận xét:

Post a Comment

 
Camsa Việt Nam © 2014 - 2015. All Rights Reserved. Design by: Blogger
Top