Nhức nhối xuất cảnh trái phép tìm việc làm

Nhức nhối xuất cảnh trái phép tìm việc làm

6 10 99
Nhức nhối xuất cảnh trái phép tìm việc làm 10 6 99
Nhiều người vượt biên trái phép tìm việc làm vẫn đang độ tuổi ăn học - ảnh Nguyễn Hùng
LTS: Thời gian gần đây, tại các vùng nông thôn, miền núi của nước ta, vẫn liên tiếp xảy ra tình trạng người dân có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp, rủ nhau tìm cách vượt biên sang nước láng giếng, tìm kiếm việc làm. Họ đã bất chấp sự rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng của mình, nhằm “mưu sinh” vì cuộc sống, để cải thiện đời sống cho chính mình và gia đình. Mặt khác do thiếu hiểu biết về pháp luật, nên khi bị cơ quan chức năng bắt giữ, thậm chí bị xử lý hình sự khi mọi việc đã thực hiện.
                                   _________________________________
(Nguyễn Hùng): Từ sau tết tới nay, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 3 vụ đưa người vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm. Tình trạng trên không còn “nóng” như trước, nhưng nếu không có giải pháp đồng bộ, nhất là tạo công ăn việc làm cho người dân, sẽ rất khó giải quyết triệt để tình hình, dù với người lao động trái phép, nơi họ đến luôn rình rập rủi ro, nguy hiểm.

Một tuần bắt 3 vụ

Chỉ từ ngày 6 - 13.3, CA tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 3 vụ đưa người vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động. Đây là thời điểm trong nước khó kiếm việc làm, vì thế, theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình trạng trên còn có thể tiếp diễn.

Ngày 13.3, CA TP.Móng Cái đã bắt giữ vợ chồng Phạm Thị Bích - Nguyễn Phúc Đông (quê Quảng Yên, Quảng Ninh) có hành vi tổ chức đưa 36 người vượt biên sang Trung Quốc đi lao động. Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng khai nhận: 36 người trên đều quê ở Thanh Hóa, thông qua người quen, tập trung tại nhà trọ của vợ chồng Bích ở khu 2, phường Ka Long, TP.Móng Cái từ rạng sáng 13.3 để nhờ đưa vượt biên sang Trung Quốc. Mỗi người trước khi vượt biên phải nộp 4.030.000 đồng. CA đã thu giữ 144 triệu đồng tiền mặt và một số tang vật liên quan.

Trong 2 ngày 6 và 8.3.2015, CA huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh liên tiếp phá 2 vụ, bắt 4 đối tượng đang đưa gần 90 người dân ở các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Trong đó, một vụ do 3 đối tượng người địa phương cầm đầu, đang đưa 75 người trên 2 xe ôtô thẳng tiến Lạng Sơn để tìm cách trốn sang Trung Quốc thì bị bắt. Cả ba đều đã bị giam giữ hình sự về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép" để tiếp tục điều tra mở rộng. Vụ còn lại bị bắt khi đang trên đường đi trốn sang Trung Quốc, do Vũ Thị Bốn - sinh năm 1955, lấy chồng người Trung Quốc và sinh sống tại Trung Quốc từ năm 1978 - cầm đầu.

Trước đó, khoảng 4h45, ngày 2.3.2015, tại khu vực vành đai biên giới thuộc khu 4 phường Hải Hòa. TP.Móng Cái, lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ 16 người đi vào khu vực biên giới có ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Những người này cho biết, họ xuất cảnh trái phép để tìm việc làm...

Tiền mất, tật mang

Hầu hết những người vượt biên trái phép đi lao động đều thuộc diện nghèo khó, không có công ăn việc làm ổn định. Tuy nhiên, nhiều người trong số hộ thường trắng tay trở về, thậm chí thêm nợ nần do mất trắng tiền môi giới, trong khi lương chưa kịp lĩnh đã bị trục xuất về nước.

Hoàng Thị Hiền (SN 1984, trú tại thôn Tân Phù, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) cùng chồng từng chèo đò, bán hàng ở vùng biên Móng Cái. Tháng 7.2014, nhờ sự môi giới của người quen, hai vợ chồng chị trốn sang Trung Quốc lao động với hy vọng có thể đổi đời. “Chúng tôi phải trả 5 triệu đồng/người cho người môi giới. Họ nói, sang đó làm ăn mỗi tháng cũng để ra được 10 triệu đồng. Tin họ, tôi bán vội đò đi để “chạy”. Ai ngờ, vừa sang tới nơi thì bị bắt và giam tới 20 ngày mới được thả về nước” - chị Hiền nói.

Tháng 2.2014, Đinh Thanh Tần (SN 1993, trú tại thôn Yên Định, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà) cùng khoảng 60 người nữa vượt biên trái phép sang Trung Quốc, với chi phí môi giới 1.200 tệ/người, nhưng không phải đóng ngay mà trừ vào lương. “Người môi giới cho biết lương mỗi tháng 2.000 tệ. Em được đưa tận vào Chiết Giang, làm ở xưởng sản xuất ổ cắm phích điện. Làm được gần 3 tháng, chưa lĩnh đồng lương nào thì bị CA bên đó bắt và bị giam 2 tháng 7 ngày mới được trả về nước” - Tần kể.

Trường hợp như Tần không phải hiếm, mà theo những người trong cuộc, có thể do chính người bên kia tố với cơ quan chức năng đến bắt để không phải trả lương.

Theo thiếu tá Bùi Quang Bình - Trưởng CA huyện Đầm Hà - trong 2 nhóm có ý định vượt biên trái phép vừa qua có cả phụ nữ và các em đang ở tuổi ăn học. “Nguy cơ tiềm ẩn đối với họ rất cao. Bản thân họ là lao động trái phép, có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào. Trong thời gian lao động ở bên đó, họ cũng không thể lường hết được số phận” - thiếu tá Bình chia sẻ - “Xót xa nhất là nhiều cháu đang học phải bỏ dở để đi làm vì cuộc sống gia đình quá khó khăn”. Không phải những người sang Trung Quốc làm thuê “chui” không biết những rủi ro trên, nhưng họ vẫn liều vì cuộc sống mưu sinh...
Nguồn: Laodong.com.vn
http://laodong.com.vn/phap-luat/nhuc-nhoi-xuat-canh-trai-phep-tim-viec-lam-304982.bld

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Camsa Việt Nam © 2014 - 2015. All Rights Reserved. Design by: Blogger
Top