“Bóp cổ” người lao động

“Bóp cổ” người lao động

6 10 99
“Bóp cổ” người lao động 10 6 99
nld - Doanh nghiệp xuất khẩu lao động câu kết với công ty môi giới Đài Loan thu phí cao, ép người lao động ký giấy vay nợ, chiếm giữ tiền lương…

“Trước khi đi, do thỏa thuận ngầm nên người lao động (NLĐ) không dám nói đóng phí bao nhiêu cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ). Chúng tôi phải sang Đài Loan tìm hiểu, thuyết phục, họ mới chịu khai ra các khoản phí ngoài luồng”. Một cán bộ của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) đã nói như vậy về tình trạng DN câu kết với công ty môi giới Đài Loan lạm thu - chi phí của NLĐ ở thị trường này.

Đủ kiểu vi phạm

Việc sang Đài Loan tìm hiểu thực tế đã giúp Dolab phát hiện nhiều sai phạm của DN. Mới đây nhất, sau khi phát hiện NLĐ bị ép đóng phí cao và sai quy định, Dolab đã quyết định tạm dừngcung ứng lao động sang Đài Loan thời hạn 1 tháng đối với 3 công ty Thăng Long OSC, Letco và Hutraserco. Trước đó, với vi phạm tương tự, Tradimexco và Vietracimex cũng bị tạm dừng cung ứng lao động sang Đài Loan từ ngày 25-9 đến 25-10. Cùng vi phạm thu phí cao đồng thời không xử lý kịp thời phát sinh làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ, 4 DN khác là Tracodi, SPSC, Hogamex và Hữu Nghị Bắc Giang cũng bị buộc dừng đưa lao động sang Đài Loan.

Lao động Việt Nam trong một nhà máy ở Đài Loan

Theo quy định hiện hành, DN chỉ được thu phí tối đa 4.000 USD/người/hợp đồng 3 năm (trong đó, tiền môi giới không quá 1.500 USD/người) đối với lao động làm việc ở lĩnh vực nhà máy, xây dựng và 3.300 USD/người (trong đó, tiền môi giới không quá 800 USD/người) đối với hộ lý, y tá làm việc ở lĩnh vực chăm sóc người già, người bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều DN câu kết với công ty môi giới Đài Loan thu quá mức phí này, hợp thức hóa bằng cách ép NLĐ ký giấy vay nợ, nhận lương khống, chiếm giữ một phần tiền lương hằng tháng, nâng mức khấu trừ tiền ăn, ở… Điển hình cho hành vi chiếm giữ lương của NLĐ là Công ty HHCP Môi giới nhân lực Trường Thanh - Đài Loan (đối tác của Vinatex) và Công ty HH Thực nghiệp Mã Kỳ (đối tác của Simco Sông Đà).

Mạnh tay ngăn chặn, xử lý

Đài Loan là thị trường XKLĐ lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 60% thị phần trong số 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường mà NLĐ bị thu phí cao, vô tội vạ nhất. Bên cạnh đó, tỉ lệ lao động phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn gia tăng đã tạo ra nhiều bất ổn, phức tạp cho thị trường này.

Vì vậy, từ năm 2012, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung chấn chỉnh. Trên cơ sở đó, gần 3 năm qua, Dolab tập trung giám sát hoạt động của các DN, thường xuyên tổ chức các đoàn đi Đài Loan kiểm tra thực tế. Nhờ vậy, đến nay đã có trên 100 lượt DN bị phát hiện vi phạm, bị xử phạt hành chính, tạm dừng hoạt động; một số DN còn bị cắt giấy phép đưa lao động vào Đài Loan. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Dolab, cho biết tuy vậy, vẫn còn một số DN thu phí cao, thậm chí để công ty môi giới Đài Loan núp bóng, chèn ép NLĐ. Tới đây, Dolab sẽ mạnh tay ngăn chặn, xử lý.

Trong nỗ lực chấn chỉnh thị trường Đài Loan, bảo vệ quyền lợi NLĐ, Hiệp hội XKLĐ cũng tích cực vào cuộc. Theo ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, hiệp hội sẽ tăng cường vận động DN tuân thủ tốt pháp luật, tăng cường giám sát và thông tin cho Dolab các vi phạm để xử lý kịp thời.

Phải đóng những khoản phí nào?

Theo Công văn 5251 ngày 31-12-2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, NLĐ sang Đài Loan làm việc phải đóng 11 khoản phí sau: Tiền môi giới; tiền dịch vụ XKLĐ; tiền vé máy bay lượt đi; lệ phí visa; học phí học ngoại ngữ; học phí bồi dưỡng kiến thức; tham gia Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; khám sức khỏe; làm hộ chiếu; lý lịch tư pháp và hồ sơ, vali, đồng phục. Tổng chi phí là 4.000 USD (đối với lao động nhà máy, xây dựng) hoặc 3.300 USD (đối với hộ lý, y tá).


Bài và ảnh: DUY QUỐC
nguồn: nld.com

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Camsa Việt Nam © 2014 - 2015. All Rights Reserved. Design by: Blogger
Top