Chị Thúy thuật lại vụ việc. |
Vì hoàn cảnh nghèo khó, bản tính lại thật thà, nhẹ dạ, hai người phụ nữ nơi miền biên ải đã trở thành nạn nhân của những kẻ buôn bán phụ nữ làm gái mại dâm tại Malaysia.
Cạm bẫy của những người nhẹ dạ cả tin
Nạn nhân trong trong câu chuyện này là chị Phạm Thị Thúy (sinh năm 1987) và chị Lâm Thị Thu (sinh cùng năm) đều ngụ huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước - vùng đất có đường biên giáp với nước bạn Campuchia.
Chị Thúy sinh ra trong một gia đình đông anh em. Nhà nghèo lại đông con nên anh chị em của Thúy không được đến trường. Chưa học hết lớp 1, Thúy phải nghỉ học, ở nhà trông các em, phụ giúp việc nhà. Kiến thức bị hạn chế, gia đình chủ yếu quanh quẩn bên nương rẫy nên có rất ít cơ hội tiếp xúc với bên ngoài, vì vậy Thúy càng không hiểu biết nhiều về sự đời ngoài xã hội.
Lớn lên, Thúy trở thành một thiếu nữ vùng quê siêng năng, chăm chỉ, thật thà lại có chút nhan sắc nên được nhiều trai làng để mắt. Rồi Thúy nên duyên với một chàng trai cùng xã và có với nhau hai đứa con.
Cuộc sống của gia đình chủ yếu sống nhờ vào nương rẫy, bóc tách vỏ điều thuê và đồng lương ít ỏi của người chồng làm cán bộ ở xã. Dần dần, giữa hai vợ chồng trẻ tuổi xảy ra nhiều bất đồng, rồi hạnh phúc tan rã. Cách đây 4 năm, họ chia tay, đường ai nấy đi.
Sau ngày ly hôn, Thúy ra đi với đôi bàn tay trắng và đứa con gái hơn một tuổi. Cùng cực muôn bề, Thúy mang con đến nhà một phụ nữ tên Hương để thuê ở trọ. Để có cái ăn và nuôi con, hàng ngày Thúy bóc tách hạt điều thuê, tối lại đón đứa con gái gửi ở nhà người chị gái về. Mẹ con rau cháo có nhau và cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua ở cái xóm nghèo hun hút ấy.
Thúy cho biết: “Ngày mới về ở, đôi lần Hương rủ tôi sang Malaysia để làm thuê và kiếm tiền lo cho con. Lúc ấy con tôi còn nhỏ dại, hơn nữa từ nhỏ chỉ quanh quẩn nơi vườn rẫy nên tôi chẳng hay được đi đâu, nghe phải sang nơi xứ người xa lạ, tôi ngại ngùng nên đã từ chối”.
Thời gian dần trôi đi, đứa con gái lớn dần, kéo theo đó là những nỗi lo toan về cuộc sống và chi phí ăn học. Bản thân Thúy lại mắc chứng viêm xoang mãn tính nên sức khỏe cũng không ổn định để đảm bảo cho công việc làm thuê, rồi tiền thuốc thang để chữa bệnh...
Vào khoảng tháng 10.2013, biết Thúy đang túng quẫn, cùng cực, Hương lại rỉ tai, vẽ về viễn cảnh sang giàu ở Malaysia với Thúy. “Cô ta nói muốn đổi đời thì cứ sang đó. Mỗi tháng làm việc chí ít cũng dư 15 - 20 triệu đồng/tháng. Sau khi có tiền sẽ về nước mua đất đai, nhà cửa để sinh sống”, Thúy nhớ lại.
Động mại dâm dành cho người Việt nơi xứ người
Trước những lời mật ngọt của Hương và tin tưởng là láng giềng lâu năm nên chỉ vài ngày sau, Thúy gật đầu đồng ý sang Malaysia. “Hương nói sang đó có chồng cô ta, muốn làm việc gì cũng được. Nếu làm cho cửa hàng của chồng thì thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Thủ tục xuất ngoại và chi phí đi lại Hương lo hết, sau này sang làm có tiền thì trả”, Thúy kể.
Ngày 22/10/2013, Thúy gửi lại con nhỏ cho bà ngoại và vợ chồng người chị gái, theo chân Hương xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Bay cùng Thúy hôm đó, ngoài Hương còn chị Thu và 2 cô gái trẻ chưa rõ lai lịch cùng ngụ ở huyện Bù Đốp.
Chị Thu cũng có hoàn cảnh đáng thương, từng một đời chồng, sau khi ly hôn một mình nuôi đứa con 7 tuổi. Cũng vì không đất đai, nhà cửa, làm lụng vất vả quanh năm vẫn đói nghèo nên chị đồng ý sang xứ người “thực hiện ước mơ”, theo sự sắp của Hương.
Sau khi đáp cánh xuống sân bay Kuala Lumpur, 4 người phụ nữ theo chân Hương đến một khu chung cư gặp một người đàn ông gốc Hoa tên A Chẩu, được Hương giới thiệu là chồng mình. Nghỉ tại đây một đêm, đến sáng hôm sau, Hương gọi Thúy và Thu đi theo mình đến một căn nhà.
Thúy kể: “Căn nhà nhìn rất bình thường, cửa được khóa bằng mật mã số. Khi bước vào căn phòng tôi còn thấy có 4 người phụ nữ Việt khác. Tôi thấy lạ nên hỏi Hương là sẽ làm công việc gì thì chị ta cho hay là làm công việc “tiếp khách”. Khi thấy một cô gái choàng khăn vừa tắm đi thẳng vào phòng ngủ đợi khách, tôi mới hiểu mình bị lừa bán vào động mại dâm”.
Thấy Thúy và Thu tỏ thái độ khó chịu, vùng vằng đòi về, Hương lớn tiếng: “Mày muốn gì?”. Sau đó, Hương lại đổi giọng nói an ủi: “Chị bỏ chồng rồi thì tiếp khách có sao đâu. Cũng chẳng ai biết, sau này có tiền rồi về với con”.
Tuy nhiên, trước thái độ cương quyết của Thúy và Thu, Hương bắt đầu viện lý do: “Nếu không làm thì phải trả lại toàn bộ chi phí đi lại cho tao. Số tiền không ít đâu, từ 20 – 30 chục triệu đồng”. Thấy hai người phụ nữ vẫn cương quyết nằng nặc không chịu, Hương đành xuống giọng và đồng ý cho về đi làm rồi sẽ hoàn trả tiền.
Sau đó, Hương đưa 2 người về lại căn hộ cũ. Trên đường đi, cả 3 ghé vào siêu thị mua sắm. Nhận thấy lúc này là cơ hội tốt để tẩu thoát, nhân lúc Hương mải chọn đồ, hai cô gái liền bỏ trốn. “Sau khi bỏ trốn, tôi điện cho chồng cũ thông báo mình bị lừa sang đây nhờ xin số của đại sứ quán. Sau đó, bắt taxi đến đồn cảnh sát Malaysia”, Thúy cho biết.
Tuy nhiên, do bất đồng ngôn ngữ, nên từ chiều cho đến 22h khuya, hai bên vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Rất may, sau đó cảnh sát Malaysia đã tìm được một người Việt để phiên dịch, anh ta tên là Thắng. Qua trò chuyện, biết hai phụ nữ bị lừa sang đây nên sau đó cảnh sát đã đưa họ đến đại sứ quán Việt Nam.
Gian nan hành trình tìm đường trở về
Theo dòng tâm sự, Thúy cho hay, sau khi thoát khỏi bàn tay của Hương, quá trình tìm đường trở về nước là một cuộc hành trình đầy gian nan vất vả nhưng cũng hết sức may mắn vì họ ở trong hoàn cảnh không một đồng xu dính túi.
Tại đại sứ quán, do không có tiền làm giấy thông hành nên hai người tiếp tục liên lạc với anh Thắng để nhờ giúp đỡ. Sau khi thỏa thuận, người nhà của 2 chị đã chuyển 4,2 triệu đồng cho vợ anh Thắng ở Việt Nam. Đổi lại, anh Thắng đưa cho họ 600 đồng tiền Malaysia. Số tiền đó chỉ đủ chi phí làm giấy thông hành, đi lại nhưng không đủ mua vé máy bay về Việt Nam.
Chán nản, hai người phụ nữ đi lang thang và vô tình gặp được hai người đàn ông Việt Nam đang lao động ở Malaysia. Thương cảm hoàn cảnh hai cô gái cùng quê, hai người đàn ông đã giới thiệu họ với một phụ nữ chuyên làm từ thiện để được hỗ trợ.
“Tuy nhiên, người phụ nữ nọ không tin tưởng chúng tôi vì cho rằng “bị lừa bán sang đây mà sao chúng tôi lại bình tĩnh thế”. Sau đó, cô ấy đưa chúng tôi đến một địa điểm nào đó giữa trung tâm thành phố rồi bỏ đi”, Thúy nhớ lại.
Sau đó, Thúy và Thu quay lại tìm anh Thắng để nhờ giúp đỡ. Trong 12 ngày ở công trường - nơi anh Thắng làm việc, họ được những người công nhân cho ăn uống, ngủ nhờ. Sự may mắn đã mỉm cười với hai người phụ nữ khi họ được Tổ chức phi chính phủ AAT đặt tại TPHCM liên hệ với một tổ chức chuyên giúp người gặp nạn ở Malaysia phối hợp hỗ trợ nơi ăn chốn ở.
“Một phụ nữ người Ấn Độ đưa chúng tôi về nhà ở 20 ngày để chờ làm thủ tục, mua vé máy bay về nước. Sau 33 ngày lưu lạc, ngày 25/11/2013, hai chúng tôi mới đặt chân về nước”, Thúy kể. Bên cạnh đó, thương cảm cho hoàn cảnh của Thúy, Tổ chức AAT đã cho chị vay 7 triệu đồng để ổn định cuộc sống.
Chị Thu cũng đang bước đầu ổn định cuộc sống gia đình sau những ngày giông bão. Hôm chúng tôi đến, cũng vừa lúc diễn ra tiệc cưới của Thu với một người đàn ông ngoài xã ĐaKia (Bù Đốp).
Được biết, thời gian qua, một số phụ nữ trên địa bàn vẫn tìm cách dụ dỗ những người “nhẹ dạ cả tin” bằng hình thức tương tự. Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Bình Phước điều tra, xử lý.
(Tên một số nhân vật đã được thay đổi)
0 nhận xét:
Post a Comment