Lao động do Công ty Tracimexco tuyển chọn
học ngoại ngữ trước khi sang Nhật Bản làm việc
|
LTS: Càng ngày càng xuất hiện nhan nhản những công ty xuất khẩu lao động trá hình, lừa đảo, chính những công ty xklđ đó mà nhà nước không kiểm soát được dẫn đến việc người lao động bị lừa đảo, sang đến nước ngoài làm thân nô lệ, khi đó mới phát hiện ra mình bị lừa, và cố gắng thoát ra ngoài. Chính quyền đã không trị những công ty lửa đảo đó, lại nhắm vào những người công nhân đáng thương với những mức phạt cao ngất ngưởng. Chưa đủ, bây giờ lại còn gia hạn thêm thời gian phạt nữa. Nhìn đi nhìn lại, mọi cái khổ đều đổ lên đầu dân đen, đã nghèo lai nghèo thêm, đã khổ lại khổ thêm, mời quý vị đọc bài sau để biết thủ đoạn giết dân của nhà cầm quyền.
* *
NLĐ - Dự kiến sẽ có 20.000 lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài tự nguyện về nước trước thời hạn áp dụng xử phạt 10-3-2014
Thủ tướng Chính phủ vừa chấp nhận đề nghị của Bộ LĐ-TB-XH về việc gia hạn thêm 2 tháng xử phạt vi phạm hành chính đối với người lao động (NLĐ) bỏ trốn, ở lại nước ngoài trái phép. Theo đó, thời gian áp dụng xử phạt được lùi thêm 2 tháng, đến hết 10-3-2014, thay vì ngày 10-1-2014 như quy định.
Nhiều người tự nguyện về nước
Theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP ban hành ngày 22-8-2013, kể từ ngày 10-10-2013, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài sẽ bị phạt từ 80-100 triệu đồng, bị cấm xuất cảnh từ 2-5 năm nếu có hành vi: Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt NLĐ ở lại nước ngoài trái quy định. Tuy nhiên, Nghị định 95/CP cũng quy định nếu tự nguyện về nước trong thời gian 3 tháng tính từ ngày 10-10-2013 (tức đến hết ngày 10-1-2014), NLĐ sẽ được miễn xử phạt.
Trả lời câu hỏi vì sao gia hạn thời gian xử phạt thêm 2 tháng, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, giải thích là do trong 3 tháng qua, có rất đông NLĐ đăng ký tự nguyện về nước nhưng chưa giải quyết xong thủ tục; đồng thời tạo thêm thời gian để những người khác ra đăng ký về nước. Theo ông Quỳnh, số lao động đang làm thủ tục tự nguyện về nước đông nhất là ở thị trường Đài Loan, với hàng ngàn người. Ở các thị trường khác như Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, số người tự nguyện về nước để tránh bị xử phạt cũng khá nhiều. “Nghị định 95/CP đã có những tác động tích cực đến NLĐ và chúng tôi muốn tạo điều kiện để họ làm thủ tục, được hưởng chính sách ân hạn của Chính phủ” - ông Quỳnh khẳng định.
Hiện cơ quan chức năng chưa có báo cáo chính thức về số lượng lao động tự nguyện về nước theo từng thị trường nhưng ước sẽ có khoảng 20.000 người tự nguyện về nước trước ngày 10-3-2013.
Sẽ không “đánh trống bỏ dùi”
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết sẽ không có thời gian ân hạn lần nữa đối với NLĐ bỏ trốn sau khi lùi xử phạt đến hết ngày 10-3-2014. Ông Hòa nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường thông tin Nghị định 95/CP và chính sách ân hạn của Chính phủ để các gia đình biết, khuyên nhủ con em đang bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài tự nguyện về nước. Cơ quan ngoại giao, Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài cũng sẽ thông tin để NLĐ biết, tạo mọi điều kiện để NLĐ đến đăng ký, làm thủ tục hồi hương trước thời gian ân hạn. Mọi trường hợp vi phạm sau thời điểm này sẽ bị xử phạt nghiêm”.
Theo ông Hòa, việc tổ chức thực hiện Nghị định 95/CP đang được triển khai đồng bộ, chặt chẽ từ khâu thông tin tuyên truyền đến hướng dẫn quy trình, phân cấp trách nhiệm xử lý vi phạm. “Trước đây chúng ta đã có quy định về xử phạt lao động bỏ trốn nhưng làm chưa tốt. Lần này, không thể “đánh trống bỏ dùi”. NLĐ lẫn doanh nghiệp vi phạm đều phải bị xử lý đến nơi, đến chốn” - ông Hòa khẳng định.
Được biết, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Ngoại giao đã có thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định 95/CP, quy định chi tiết quy trình xử phạt và trách nhiệm xử phạt. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trên cơ sở tiếp nhận thông tin từ việc bắt giữ, phát hiện lao động bất hợp pháp của cơ quan chức năng và chủ sử dụng lao động, sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm và phạt trực tiếp. Ở trong nước, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương và ngành LĐ-TB-XH. Quyết định xử phạt sẽ được niêm yết tại UBND cấp xã và cơ quan này sẽ cưỡng chế thi hành nếu người vi phạm không chấp hành.
Báo cáo của các cơ quan chức năng cho biết hiện có khoảng 50.000 lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài. Trong đó, đông nhất là ở Hàn Quốc và Đài Loan, với mỗi thị trường khoảng 15.000 người; kế đến là Malaysia khoảng 5.000 người, Nhật Bản khoảng 2.000 người... Các thị trường khác đều có lao động bỏ trốn tuy số lượng không nhiều.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY
Nguồn: nld.com
0 nhận xét:
Post a Comment