Bằng chứng về sự thiếu trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với người lao động ở nước ngoài

Bằng chứng về sự thiếu trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với người lao động ở nước ngoài

6 10 99
Bằng chứng về sự thiếu trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với người lao động ở nước ngoài 10 6 99
Trong một xưởng may "đen" của Nga. Ảnh: BBC
LTS: Thêm một bằng chứng xác thực về sự thiếu trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với người lao động ra nước ngoài làm việc được bài báo dưới đây đề cập. Xin mời quý độc giả cùng xem.

“Nô lệ lao động” là cụm từ đã được sử dụng để nói về tình trạng của hàng ngàn lao động Việt Nam ở các cơ sở lao động không hợp pháp tại Liên bang Nga, trong một văn bản của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga gửi tới một loạt cơ quan chức năng trong nước.

Tại thời điểm hiện nay, “câu chuyện” những lao động Việt Nam bị bóc lột thậm tệ tại Liên bang Nga vẫn còn nguyên tính thời sự, cho dù văn bản trên được phát hành từ năm 2008.

Bóc lột thậm tệ

Trong văn bản từ 3 năm trước, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, khi nước Nga thắt chặt việc đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ cường quốc về hàng dệt may với giá rẻ như Trung Quốc thì hàng loạt các xí nghiệp may đã ra đời, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là những người tiêu dùng có thu nhập thấp trên thị trường Nga. Trong bối cảnh này, đã ra đời những xí nghiệp may "đen" với quy mô từ vài chục máy đến hàng trăm máy.

Theo số liệu của các cơ quan bảo vệ pháp luật Nga thì lúc đó quanh vùng ngoại ô thủ đô Moscow có khoảng hơn 500 xí nghiệp may như vậy, với số lượng công nhân lên đến 20.000 người, mà đa số là được đưa từ Việt Nam sang.

Cho dù rất khó “mục sở thị”, nhưng qua khảo sát thực tế, “bức tranh” của người lao động ở các xí nghiệp may “đen” này được cho là “đáng báo động”.

“Người lao động đã bị bóc lột một cách thậm tệ, bị nhốt dưới khu vực ngầm cách biệt với thế giới bên ngoài, bị thu hoàn toàn giấy tờ tùy thân, không được liên lạc với bên ngoài”, văn bản nêu rõ.

Cũng theo thông tin mà Đại sứ quán có được thì người lao động buộc phải làm việc từ 12-14 tiếng trong một ngày mà không có ngày nghỉ. Họ được hứa là sẽ trả lương cao nhưng có nơi, theo công nhân tố cáo đã hàng năm công nhân không được nhận lương vì chủ xưởng đã trừ hết khoản này đến khoản khác.

Thậm chí, nhiều chủ xưởng sau hàng năm bóc lột sức lao động của hàng trăm công nhân thì đã bỏ trốn và trước khi bỏ trốn đã báo cho công an sở tại đến bắt những người lao động không hợp pháp.

Văn bản của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cũng nhấn mạnh: cuộc sống của những người lao động tại các xưởng may nói trên quả là đáng báo động. Ở nhiều nơi, khoảng 50-60 người sống trong một căn phòng tập thể, giường tầng, các đôi nam nữ được ngăn cách bởi những tấm vải che với diện tích chỉ vài m2…

Nhận định được Đại sứ quán đưa ra là “tình trạng những công nhân Việt Nam lao động trái phép tại Nga ngày càng tăng”. Trên thực tế, nhiều cuộc điện thoại đã được gọi về các phòng ban của Đại sứ quán để cầu cứu, giải thoát vì cuộc sống quá bức bách. Nhưng ngay cả đến Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nga cũng đành bó tay vì tất cả những người gọi đến đều không biết mình đang ở đâu. Bởi họ không biết tiếng Nga và bị giam biệt lập với thế giới bên ngoài.

Bên cạnh đó, những cơ quan thông tin đại chúng Nga đã nhiều lần đưa tin bằng hình ảnh chỗ làm việc, nơi sinh sống của lao động Việt Nam tại các xí nghiệp may “đen” này, đã làm cho nhân dân địa phương vốn đã không có thiện cảm với người lao động châu Á, có cái nhìn phiến diện với những người lao động Việt Nam.

Theo Đại sứ quán, điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những cố gắng của cộng đồng, của những công ty, xí nghiệp làm ăn đứng đắn nhằm tạo dựng những hình ảnh tốt đẹp của người Việt Nam tại Liên bang Nga, cũng như những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược mà chính phủ và nhân dân hai nước đã dày công xây đắp.

Bất ngờ và đau xót

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12 vào cuối năm 2010, một bản báo cáo kết quả giám sát dài hơn 12.000 chữ về “Việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, tại đây đã không có bất kỳ một thông tin nào đề cập tình hình lao động Việt Nam tại Liên bang Nga, dù thực trạng đến mức “báo động” đã được Đại sứ quán báo cáo rõ từ năm 2008, như đã nói ở trên.

Bởi vậy, câu chuyện về hàng chục nghìn lao động Việt Nam đang bị bóc lột thậm tệ, dẫu bắt đầu từ 3 năm trước, vẫn khiến các vị đại biểu Quốc hội trong đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đến Liên bang Nga vào giữa tháng Tư vừa qua không khỏi bất ngờ.

Trong các tài liệu vừa được Đại sứ quán Việt Nam cung cấp cho lãnh đạo Ủy ban cũng không có thông tin nào về việc giải thoát lao động Việt Nam khỏi cảnh “nô lệ ” như đã phản ánh tại báo cáo.

Mà, báo cáo của Ban công tác cộng đồng - Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đề ngày 15/11/2010 còn cho biết, trong năm 2010, do thay đổi chính sách của hàng rào thuế quan, các xưởng may không hợp pháp ngày càng làm ăn phát đạt, vì vậy số lượng các xí nghiệp may này ngày càng tăng.

Và con số những xí nghiệp may “đen” câu kết với những phần tử biến chất trong bộ máy chính quyền địa phương lừa gạt người lao động từ trong nước sang ngày càng nhiều.

“Những hiện tượng như bắt lao động theo hình thức khổ sai 12-14 tiếng một ngày, không trả lương, không cho tiếp xúc với bên ngoài và khi có biến động thì sẵn sàng bỏ công nhân chạy trốn pháp luật, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho những người lao động không biết mình đang ở đâu, không giấy tờ tùy thân và cũng không có khả năng tài chính để mua vé trở về Việt Nam”, báo cáo viết.

Bản báo cáo cũng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội đàm giữa các nhà doanh nghiệp, giữa các nhà sản xuất kể cả những cuộc gặp với những chủ xí nghiệp sản xuất không hợp pháp, để tìm cách tháo gỡ khó khăn, tìm phương thức làm ăn hợp pháp, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro cho bà con ta trong kinh doanh và trong sản xuất.

Tuy nhiên, đã không có thêm thông tin nào về một kết quả mang tính định lượng hơn.

Trong khi đó, ghi nhận từ chuyến công tác vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, thực trạng “khổ sai” của hàng chục ngàn lao động Việt Nam dường như vẫn chưa được cải thiện.

Không chỉ là thông tin thu thập được, mà cả những cảm nhận chân thực hơn từ chuyến đi đã khiến ông Hiền hơn một lần nhấn mạnh cảm giác “đau lòng” khi nói về thực trạng này.

Bởi, chính ngay khi đoàn công tác đặt chân đến Nga cũng là lúc một số phương tiện truyền thông đưa tin 4 người Việt Nam đã thiệt mạng khi một kho chứa vải bị cháy, vì họ không thể thoát thân trong tình cảnh bị chủ nhốt.

Và, ngay tại sân bay quốc tế Domodedovo, trước khi về Việt Nam, đoàn cũng đã tình cờ gặp một số người lao động vừa may mắn thoát ra được khỏi những xưởng may đen với ký ức hãi hùng.

Trên suốt chuyến bay trở lại Việt Nam, câu chuyện giữa Chủ nhiệm Hiền và các thành viên trong đoàn đã không “thoát” được nỗi ám ảnh về sự cơ cực mà hàng nghìn công nhân Việt Nam đã và đang phải trải qua.

Vì, số phận của mỗi lao động không chỉ liên quan mật thiết đến hình ảnh của đất nước mà còn gắn chặt với cuộc sống của gia đình và người thân của họ. Sự “mất tích” của họ cũng đồng nghĩa với sự bất ổn của hàng nghìn gia đình nghèo, vốn đã rất nhiều khó khăn.

Suốt hành trình trở về, một câu hỏi cứ trở đi trở lại với nhiều thành viên trong đoàn công tác là “có thể giải quyết căn cơ tình trạng này được hay không?”.

Trao đổi với VnEconomy, Chủ nhiệm Hiền nói rằng, theo quan điểm của ông thì hoàn toàn có thể làm được, nếu có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng Việt Nam với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và các cơ quan chức năng của nước sở tại. Song sự chủ động, quyết liệt phải từ chính các cơ quan trong nước.

Ông Hiền cũng cho biết, sau chuyến công tác trở về, ông đã gặp và trao đổi với một vị thứ trưởng Bộ Ngoại giao về thực trạng và giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề lao động Việt Nam tại Nga.

Tới đây, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cũng dự định sẽ làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để trao đổi sâu hơn về vấn đề nói trên.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ Ủy ban, đến thời điểm hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chỉ nắm được số lao động đi làm việc theo hợp đồng ở châu Âu, còn riêng ở Nga là bao nhiêu thì không có số liệu cụ thể.

Là thành viên trong đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM cũng cho biết: “Nghe những cán bộ có trách nhiệm ở Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva nói về tình cảnh người lao động Việt tại các “xí nghiệp đen” thật quá đỗi đau lòng”.

Vị đại biểu của dân này đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của các đơn vị trong nước tuyển và xuất khẩu lao động sang Nga, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để người lao động bị “bán” cho các xí nghiệp “đen” khi đến nước Nga, đẩy người lao động Việt Nam, đa số là những thanh niên nghèo khổ ở nông thôn, lâm vào tình cảnh này.

Ông Lịch đề nghị, với quyền hạn được trao, các ủy ban liên quan của Quốc hội có thể tổ chức phiên “điều trần” xung quanh vấn đề lao động Việt tại Nga để qua đó làm rõ hơn thực trạng cũng như giải pháp giải quyết căn cơ vấn đề đã kéo dài nhiều năm và đang trở nên trầm trọng này.

Nguồn: camsa-coalition.org

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Camsa Việt Nam © 2014 - 2015. All Rights Reserved. Design by: Blogger
Top